Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả

Chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả (Mt 11,11) 
 
Suy niệm
 
1. Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả

Trong mùa vọng, hình ảnh Gioan Tẩy Giả nổi bật, ông là nhân vật tích cực hoạt động: rao giảng, loan báo, làm phép rửa, kêu gọi ăn năn trở lại. Người ta cảm thấy ông rất lo lắng, rất vội vã thúc bách khẩn trương: “Có Đấng đang đến, đang ở giữa các anh chị em, anh chị em hãy cải thiện con tim gấp lên… Chiếc rìu đã kề gốc cây.”

Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ cuối cùng. Mọi người kéo đến với ông, đến với sứ điệp của ông. Quả thực suốt dòng lịch sử dân Ítraen, những lời tiên tri đã lan sâu rộng và được tập trung vào một Đấng. Tất cả mọi hy vọng đều đổ dồn vào một Đấng: Đấng thực hiện lời giao ước. Ngày nay, chúng ta suy nghĩ và tự hỏi xem thời hạn của Gioan đã chấm dứt chưa?

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ. “Từ thời Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành.” Chính vì thế, Gioan Tẩy Giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực, như: chiến tranh do chủng tộc, chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa quốc tế.

Gioan Tẩy Giả, một lần nữa, sát nhập với những người hô hào cần phải ăn năn trở lại với Đấng đến giải phóng, chỉ có Người mới có thể xây dựng công trình hòa bình toàn hảo thôi.

Còn chúng ta, dâng tế lễ Thánh Thể là tiếp tục vai trò của Gioan, vì tế lễ Thánh Thể là tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tụ họp để chia sẻ với Người trong công trình cứu độ cho tới khi Người đến hoàn tất thế giới.

Cử hành Thánh lễ, chính là tuyên xưng quyền phép ban hòa bình của Đức Kitô, là loan báo hoàng tử hòa bình và nước trời bình an.

2. Gioan Tẩy Giả

Lustiger là người Do Thái đã từng chứng kiến cảnh phân biệt chủng tộc và việc Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái. Là người Do Thái, nhưng có bạn là người Công giáo, một hôm theo bạn đến nhà thờ và từ đó muốn trở lại Công giáo. Anh muốn thuộc về Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Mặc dù ông bố không chấp thuận, nhưng anh nhất quyết đi tu để phục vụ người nghèo khổ, yếu đuối. Năm 1954, thụ phong linh mục. Năm 1964 được chọn làm Giám mục và được đề cử về làm Tổng Giám mục Paris. Bị một số người bất bình phản đối, nhưng ngài vẫn kiên vững trong đức tin và quan tâm phục vụ mọi người.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh chuẩn bị tâm hồn người Do Thái đón nhận Chúa, con người ấy là Gioan Tẩy Giả. Kể từ khi gặp Chúa Giêsu, nhất là từ khi bị Hêrôđê tống ngục, cố gắng quan trọng của Gioan là làm sao cho môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Dù tống giam Gioan, nhưng Hêrôđê vẫn còn nể Gioan, nên cho ngài được liên lạc với bên ngoài, bằng chứng là các việc Chúa Giêsu làm đều đến được tai Gioan và các môn đệ vẫn được tiếp xúc với ngài. 

Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan. Trước hết, là thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình là Philip. Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư? Ta bảo các người: và còn hơn một tiên tri nữa.” Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi.”

Tuy nhiên, nếu vai trò của Gioan cao trọng, thì Nước Trời còn cao trọng hơn, vì người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn Gioan. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Nước Trời được mô tả như vương quốc của sức mạnh và chỉ những kẻ mạnh mới dành được phần thắng.

Ước gì chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta và tìm gặp được Đức Giêsu là Đấng cứu độ và niềm vui của chúng ta nơi trần gian này.

Cầu nguyện
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa viếng thăm từng cuộc đời chúng con, Chúa giáng sinh từng ngày trong đời sống chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy mình mỗi ngày để xứng đáng là máng cỏ thơm ngát cho Chúa giáng sinh ngự trị.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con là người yếu đuối. Chúng con còn ngủ vùi trong đam mê tật xấu. Chúng con còn thiếu can đảm chống trả chước cám dỗ. Chúng con chưa mạnh mẽ để nói không với tội lỗi. Chúng con còn mang nặng những yếu đuối và tật xấu. Xin nâng đỡ chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ, bằng sức mạnh và quyền năng của Chúa. Xin quyền năng Chúa hiển trị trên sự yếu hèn của chúng con, để chúng con vượt thắng những cám dỗ tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn đứng vững trước những trào lưu của xã hội đang loại trừ Thiên Chúa, đang cuốn hút trong đời sống hưởng thụ. Xin cho những ai đang mê ngủ trong danh vọng trần gian được thức tỉnh mà quay trở về với Chúa. Xin Chúa giúp họ biết thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian và ma quỷ. Xin cho họ biết hoán cải để thực tâm quay trở về với Chúa tình thương.

Lạy Chúa, xin cho chúng con là người cao trọng trong Nước Trời khi chúng con luôn trung tín theo lề luật của Chúa. Xin Chúa giáng sinh mang phước lành xuống trên cuộc đời chúng con, để chúng con luôn an bình sống trong sự che chở của Chúa. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Đứng dậy mà đi

Đứng dậy mà đi

Thứ Hai Tuần thứ 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: 
Lc 5, 17-26
17Một hôm, khi Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giuđê và từ Giêrusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. 18Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. 19Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. 20Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi." 21Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?" 22Nhưng Đức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? 23Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? 24Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội Đức Giêsu bảo người bại liệt: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!" 25Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. 26Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!"
 
Đứng dậy mà đi (Lc 5,23)
 
Suy niệm: 
 
Bệnh tật nơi thân xác con người có thể tượng trưng cho một thứ bệnh tật nào đó nơi tinh thần. Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai cũng có kinh nghiệm về sự câm nín, do sợ hãi của chính mình hay do bị đe dọa bắt phải im. Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại có quá nhiều cuộc đối thoại mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất khả năng nghe. Người mù không phải chỉ là người không thấy ánh mặt trời, nhưng còn là người không dám thấy ánh sáng của sự thật, không nhận ra hình ảnh người anh em nơi khuôn mặt kẻ thù. Không phải ai cũng có bàn tay khô bại, không duỗi ra được, nhưng ai cũng có lần thấy mình khó đưa tay ra để bắt tay người khác. Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết. Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại ở việc chữa lành thân xác. Ngài muốn một sự lành mạnh nơi toàn diện con người.

“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai” (Is 35, 6). Lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc thư I đã ứng nghiệm. Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác giường và đi một mạch về nhà, chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa trên khuôn mặt của anh và các bạn. Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc khi thấy anh trở về, đi đứng như một người bình thường. Nhưng có điều họ không nhận ra đó là chuyện anh được tha tội. Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù anh không xin, vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất toại thể lý. Nhưng tâm hồn anh đã bước đi, trước khi đôi chân anh đi được. Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy của cả hồn lẫn xác. Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho nhóm các Luật sĩ và Pharisêu thấy không nhất thiết phải đi gặp tư tế và dâng lễ đền tội mới được tha. Chỉ bằng một lời nói đơn sơ dễ dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ. Chính việc anh bất toại được chữa lành làm chứng về quyền năng này.

Ngược với thái độ tin tưởng táo bạo của anh bất toại và các bạn, là thái độ thụ động ngồi của các Luật sĩ và Pharisêu. Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền thống của mình: chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội. Họ không tin Đức Giêsu được chia sẻ quyền ấy từ Cha, dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại đi được. Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi. Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng, khiến tôi không đến gần Chúa được, cũng không dám đến với anh em. Có những bất toại về trí tuệ khiến tôi bị kẹt trong những định kiến, thiên kiến, thành kiến, không dám mở ra để đón nhận những sự thật bất ngờ và đáng sợ. Có những bất toại về tình cảm khiến tim tôi như bị cầm tù, không sao thoát khỏi được chuyện yêu ghét oán hờn dai dẳng. Xin Giêsu giải phóng tôi, cho tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa. 

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Cầu nguyện: 
 
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã giáng sinh làm người để cứu độ trần gian. Chúa đã rong ruổi đường đời để thi ân giáng phúc cho nhân trần. Đôi tay Chúa đã xoa dịu biết bao mảnh đời khốn khổ lầm than. Đôi chân Chúa đã vượt qua mọi trở ngại để đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật đang bị xã hội loại trừ. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu Chúa trong cung cách sống phục vụ của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, bênh tật thể xác là nỗi khổ của con người, nhưng bệnh tật về tâm hồn không chỉ giết chết mình mà còn làm khổ tha nhân. Xin Chúa hãy chữa lành bệnh tật tâm hồn chúng con là tội lỗi, là những đam mê mù quáng, là những tham lam vô độ đã gây nên biết bao nỗi đau cho tha nhân và hủy diệt hồn xác chúng con. Xin lôi kéo chúng con ra khỏi hố thất vọng của tội lỗi. Xin chữa lành những thương tích do tội lỗi gây ra trong tâm hồn chúng con bằng ơn tha thứ của Chúa. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng đón nhận ơn Chúa để sửa mình mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã động lòng xót thương những mảnh đời bất hạnh. Xin xót thương linh hồn tội lỗi chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Xin gìn giữ mọi người trong ơn lành của Chúa. Chúng con xin tín thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền