Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Quản lý bất trung

Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng (Lc 16, 8)
Suy niệm

1. Quản lý bất trung

Mình biết phải làm gì rồi! để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! Anh ta cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ôliu. Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai này của bác đây ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một ngàn thùng lúa. Anh ta bảo: Bác cần lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế! Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (Lc. 16, 4-8)
 
Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu khi thì nói với Biệt phái, lúc nói với dân chúng hay các môn đệ, Người muốn giáo huấn họ đặc biệt về trách nhiệm của họ như người quản lý của Thiên Chúa.

Người xảo quyệt của thế giới đen: Người quản lý bất lương thấy thế giới của hắn bỗng chốc sụp đổ. Ngày phán xét đến cũng bỗng chốc thế. Hắn mất địa vị và danh tiếng. Đời sống hiện tại vật chất cũng lâm nguy, nhưng chủ còn để hắn một ít lâu để tính sổ. Hắn tự nhủ và nhận thấy phải hành động mau chóng và liều lĩnh để bảo đảm nuôi thân sau này. Hắn tha cho những con nợ của chủ một số nợ bằng năm trăm ngày công. Như thế, hắn có thể bảo đảm đời sống sau khi mất chức quản lý. Đức Giêsu khen tên quản lý trộm cắp này vì đã hành động khôn khéo biết lo cho đời sống.

Sự khôn khéo đó đáng làm gương cho con cái ánh sáng: Đức Giêsu không ca ngợi tên quản lý quỷ quyệt hỗn láo đó. Nhưng sự khôn khéo của hắn đúng là dấu chỉ của thời đại. Hắn đã hết thời vào ngày chủ đòi hắn tính sổ. Điều Đức Giêsu muốn rút ra bài học là sự táo bạo của hắn, khiến hắn khai thác tối đa một ít thời giờ còn lại, đã giúp bảo đảm tương lai của hắn.

Cũng thế, môn đệ không biết khôn khéo khi Chúa đến và đòi tính sổ, các ông phải biết tha thứ tất cả những ai mắc nợ với mình để Chúa cũng tha nợ cho các ông. Các ông còn phải chăm sóc mọi gia nhân trong nhà chủ đã trao phó cho các ông. “Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ về thấy nó đang làm việc chu đáo.”

Đối với những công việc ở thế giới này, những người muốn bảo đảm được tương lai vật chất, phải tỏ ra rất khôn khéo. Họ đã khôn khéo đối xử với đồng loại mình, nhưng lại không khôn khéo với những công việc nước trời. Trái lại con cái ánh sáng, những người tin vào Đức Giêsu, Đấng là ánh sáng, lại không biết khôn ngoan để bảo đảm được ơn cứu độ. Họ phải cố gắng thực hiện được sự táo bạo và khôn khéo, và hành động khi còn thời giờ, như con cái của xã hội đen.
 
2. Hành xử khôn khéo

Một đạo sĩ đi ngang qua cây dừa, một chú khỉ hái dừa ném xuống đầu ông. Ðạo sĩ lẳng lặng bổ ra lấy nước uống rồi ăn luôn cùi dừa, còn lại vỏ dừa, ông làm thành chén ăn cơm. Nét điềm tĩnh của đạo sĩ là nắm lấy mọi cơ hội trong cuộc sống để mưu ích cho mình. Ông quên đi niềm đau trên đầu của mình cũng như sự tinh nghịch của chú khỉ, để sử dụng tối đa ích lợi của trái dừa.

Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biến tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.

Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện.”

Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
 
Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con. Chúa là hạnh phúc đời đời mà thánh Augustino đã ao ước “chỉ trong Thiên Chúa, mới có hạnh phúc đời đời.” Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, biết tìm kiếm Chúa trong cuộc sống hôm nay, biết thực thi ý Chúa để mai sau chúng con cũng được kết hiệp đời đời với Chúa trong Nhà Chúa ở trên quê trời.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng cuộc sống đời sau, vì đó mới là gia tài không bị ai lấy mất. Xin giúp chúng con chiến thắng những tham lam vô độ, những bon chen bất chính, khiến chúng con đánh mất ơn nghĩa làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban là tài năng, là thời giờ và sức khoẻ để phụng sự Chúa, để sử dụng theo thánh ý Chúa. Xin ban cho chúng con nghị lực để chúng con luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi ý Chúa trong cuộc sống.

Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ. Xin ở lại cùng chúng con luôn mãi. Xin Mình Thánh Chúa luôn nâng đỡ những yếu đuối trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín với Chúa hôm nay và suốt cuộc đời. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

1 nhận xét:

  1. HÃY BIẾT THA NỢ

    “Anh mắc nợ (...) bao nhiêu? Hãy lấy văn tự mà viết lại (...)” (Lc 16,5.7)

    Suy niệm: Mỗi người chúng ta, cách này hay cách khác, là quản lý của Chúa: về tài năng Chúa ban, về trách nhiệm được giao phó... Trong Kinh Thánh, người quản lý là người thân cận của chủ nhà, một người được chủ tin tưởng. Tương tự, chúng ta cũng được Chúa tin tưởng hoàn toàn. Hơn nữa, không chỉ là người quản lý, chúng ta còn được dự vào hàng con cái, là người thừa tự. Người quản lý hôm nay, khi biết sắp bị sa thải, đã dám hy sinh lợi tức riêng (phần dư mà anh ta đã ghi thêm vào cho mình trên mỗi con nợ khi ghi nợ cho chủ), để mua bạn hữu. Dụ ngôn dạy ta bài học dám hy sinh quyền lợi trước mắt để tha nợ cho kẻ khác, như một cách mua lấy bạn hữu đời đời. Nhiều lần, nhất là trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta: tha nợ cho kẻ khác để ta cũng được tha nợ. Bình tâm suy xét, chúng ta thấy rằng những món nợ người khác mắc chúng ta thường là rất nhỏ và giả tạo, tức do chúng ta “dàn dựng” ra.

    Mời bạn: Có thể bạn đang lừng khừng, chậm chạp, hững hờ trong việc xây dựng tương lai vĩnh cửu? Có thể bạn dành quá nhiều thời gian và năng lực cho đời sống vật chất, làm ăn, tiêu thụ, mà xao lãng bổn phận xây đắp cuộc sống vĩnh cửu? Mong rằng Lời Chúa hôm nay sẽ là lời cảnh tỉnh bạn.

    Chia sẻ: Có thật người khác mắc nợ bạn như bạn vẫn tưởng hay không? Hay bạn là... “của nợ” cho người khác?

    Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm tha thứ cho một người lâu nay tôi cảm thấy không muốn.

    Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha và cầu xin Chúa dạy cho chúng ta học biết tha thứ, để được thứ tha.

    Trả lờiXóa