Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Bệnh mù quáng tinh thần

Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay (Lc 11, 44)
Suy niệm

Ngày nay, người ta sản xuất mọi thứ hàng giả, hàng dổm được sơn phết, sao chép như thiệt để tiếp thị, bán chạy như tôm tươi và thật mát mắt. Không chỉ hàng hóa dổm mà còn cả những nhân vật học giả, học dổm có đầy đủ học vị cao, lừa đảo, khiến người khác tin tưởng họ như thật. Người ta đã muốn thay con tim người bằng tim khỉ đột, chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài mà không biết được giá trị cốt lõi bên trong.

Đức Giêsu quan tâm đến lòng người, tinh thần bên trong, chứ không để bị lừa bởi dáng vẻ hấp dẫn bên ngoài. Người vạch cho thấy lối sống giả hình mù quáng.

Những con buôn giả phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của mình, phải lãnh hậu quả tai hại.

Nơi một dân coi những việc cử hành đạo đức đóng một vai trò cứu thế, thì dễ xuất hiện lòng sùng bái đối với lối đạo đức hình thức phô trương bên ngoài. Những người biệt phái như những con buôn hàng giả, tỏ ra vẻ cao cả khi giữ luật rất tỉ mỉ, cầu nguyện giữa phố phường và những nơi công cộng cho người ta thấy.

Rất nhiều kẻ trong số biệt phái đó tỏ ra kiêu ngạo, họ quên lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa, Đấng ban ơn soi sáng cho tất cả mọi việc đạo đức. Đức Giêsu chúc dữ những kẻ giả hình để hy vọng dẫn đưa họ ăn năn sám hối trở về.

Tính kiêu ngạo và phô trương của họ do nội tâm họ không trong sạch được che đậy để người ta kính trọng họ, theo họ và hư đi theo họ mà không biết. Sự che đậy của biệt phái có thể lây lan sang những ai bước xuống mồ của họ, vì họ không thể biết được lòng họ. Lời khiển trách của Đức Giêsu cũng giáng xuống đầu các nhà thông luật vì họ dạy biệt phái cũng như dân chúng. “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng gánh không nổi, còn họ thì dù một ngón tay họ cũng không để đụng tới”. Họ phải chịu trách nhiệm về tội hủ hóa người khác.

Chúng ta có là những người hành đạo theo thói quen và để được người ta kính trọng không? Trong khi đó con tim lại đầy ghen ghét, hận thù, bất công chăng? Chớ gì lời chúc dữ của Chúa Giêsu đừng áp dụng vào chúng ta.

Cảm phục nghị lực của “anh em nhà bác sĩ”
(Dân trí) - “Tụi em đã mồ côi cha rồi, nếu như không may phải lìa xa mẹ nữa thì không biết mấy anh em sẽ thế nào liệu có đứng vững và đi tiếp con đường học hành của mình không?” Khanh run run nói.
Cha mất cách nay 6 năm, mẹ mang căn bệnh suy thận mãn tính và phải chạy thận suốt 3 năm nay. Mặc dù sống trong cảnh thiếu cha và túng quẫn, nhưng 7 anh em đều không xao lãng việc học hành. Trong hoàn cảnh như thế 3 anh em Bùi Tuấn Khanh, Bùi Ngọc Quynh, Bùi Văn Canh lần lượt đỗ vào trường ĐH Y Dược Cần Thơ qua các kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008, 2009 và 2010.

Hiện 3 anh em của Khanh đang trọ tại số nhà: 26/3 hẻm 216 đường 3/2, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Thời gian để học bài là khi cơn đau không hành hạ me!

Gặp Khanh ở buổi lễ vinh danh “Tiền Trạng nguyên Tây Đô” và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Chúng tôi tìm đến địa chỉ “216/26/3 đường 3/2” - nơi 3 anh em của Khanh đang ở trọ. Khanh vừa hớt hải nói: “Đúng ra em về nãy giờ, nhưng trên đường về tạt qua chợ mua ít đồ ăn về nấu cơm trưa luôn, ăn ngoài đắt tiền lắm và cơm không đủ no”.

Sau giờ học buổi sáng cả 3 anh em vào bếp để lo bữa cơm trưa (chủ yếu là rau ) rồi ăn qua loa rồi đến trường học tiếp.

Khanh tâm sự trong nước mắt: “Cha em phát bệnh năm 2004, mẹ em đã đưa cha đi chạy chữa khắp nơi, nhưng sau một năm điều trị căn bệnh ung thư phổi của cha vẫn không thuyên giảm và cuối năm đó cha em mất!”

Khanh ngừng giọng một chút rồi nói tiếp: “Không biết có phải vì quá đau buồn vì cha em mất hay tại lo cho tụi em ăn học mà mẹ đang khỏe mạnh thì năm 2007mẹ ngã bệnh. Mấy anh em đưa mẹ đến bệnh viện, bác sĩ cho biết, mẹ em bị suy thận mãn tính. Và cũng từ đó để kéo dài sự sống cho mẹ, mấy anh em đưa mẹ lên bệnh viện Quang Phổ 1 TPHCM để chạy thận cho mẹ đến nay”.

Nhà  Khanh có 7 anh em nhưng phải sống 3 nơi khác nhau. Anh cả của Khanh là Bùi Anh Ngữ (vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm An Giang) người thứ 2 Bùi Thị Tường Vân (tốt nghiệp Trung cấp Dược) đang ở Sài Gòn để thay phiên nhau chăm sóc mẹ chạy thận ở Bệnh viện.

Ở Cần Thơ, 3 anh em “nhà bác sĩ” đang ở trọ để học. Ở quê thì 2 người em nữa là Bùi Ngọc Chinh - học lớp 11 trường THPT Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) và em út Bùi Thị Thiên Nhi – học lớp 10 cùng trường, do nhà cách trường hơn 15km nên cả hai em phải ở trọ để đi học.

Hỏi việc học hành của mấy anh em Khanh cho biết: “Sau khi tốt nghiệp 12, cũng là lúc mẹ phát bệnh nên em theo mẹ lên Sài Gòn để chăm sóc. Thời gian để ôn thi là khi cơn đau không hành hạ mẹ, thời gian ít nhưng em đã tập trung hết trí lực  nên năm đó em đậu vào ngành Nha sĩ của trường ĐH Y Dược Cần Thơ với số điểm là 25,5 điểm”

Em kế Khanh là Bùi Ngọc Quynh – đang học ngành Y năm 2 của trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Quynh cho biết “bí quyết” để đậu ngành Y cũng là nhờ sách vỡ và kinh nghiệm của anh Khanh. Quynh cũng đỗ ngành Y của trường ĐH Y Dược Cần Thơ với số điểm 22,5. Bùi Văn Canh là em kế Quynh cũng là sinh viên năm thứ nhất khoa Y của trường Đại học y dược Cần Thơ.

Học vì di nguyện của cha, vơi nỗi đau của mẹ

“Mấy năm trước, nhà em có mấy công ruộng, nhưng khi cha bệnh mẹ em đã cầm cố mất 5 công để lấy tiền chữa bệnh cho cha. Mọi chuyện tưởng dừng ở đó, nhưng năm 2007, mẹ em đổ bệnh. Còn lại mấy công ruộng bọn em đã cầm cố nốt để lo chạy chữa cho mẹ, nhưng bao nhiêu cũng không đủ”, Khanh kể.

Mặc dù mồ côi cha, mẹ bệnh nặng nhưng 3 anh em “nhà bác sĩ” Khanh, Quynh, Canh vẫn học giỏi

Ông Phạm Ngọc Trác - Chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh cho biết: “Dù cha mất, mẹ bệnh nan y nhưng mấy anh em Khanh chăm ngoan, học giỏi. Nghị lực của các cháu xứng đáng là tấm gương cho nhiều bạn trẻ học hỏi”.

Khi được hỏi động lực nào đã giúp 7 anh em quyết chí học tốt, Khanh nói: “Học cho thành người có ích là tâm nguyện của cha và khát khao của mẹ. Cha mẹ vất vả đủ bề cũng chỉ muốn 7 anh em học hành tới nơi tới chốn!”

Để có tiền ăn học và tiền để cho mẹ chạy thận, mỗi năm Khanh và Quynh phải vay ngân hàng chính sách xã hội 16 triệu đồng (mỗi người được vay 8 triệu). Các em dùng một nửa cho việc đóng học phí, nửa còn lại dành cho mẹ chạy thận.

Hiện tại mấy anh em đã cầm cố hết đất đai, tài sản nhưng vẫn còn nợ bà con, lối xóm 200 triệu đồng. Nhưng điều lo lắng nhất bây giờ là làm sao mỗi tháng kiếm được 6 triệu đồng để chạy thận cho mẹ.Vừa lo tiền ăn học, vừa lo trả nợ, vừa lo tiền chữa bệnh cho mẹ là gánh nặng quá sức của “anh em nhà bác sĩ”.

Khi chúng tôi ra về, cũng là lúc Khanh dắt chiếc xe đạp cà tàng ra để chạy đi tìm việc làm thêm cho 3 anh em.

Phạm Tâm - Ngô Nguyễn
http://dantri.com.vn/c728/s728-429230/cam-phuc-nghi-luc-cua-anh-em-nha-bac-si.htm 

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con Bánh Bởi Trời là sự sống thần linh nuôi dưỡng xác hồn chúng con. Xin gìn giữ phẩm giá là hình ảnh của Chúa nơi chúng con. Xin đừng để tội lỗi làm mất vẻ đẹp của tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con đừng dễ dãi chiều theo tính xác thịt mà đánh mất sự hiệp thông với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa hằng tha thiết mời gọi chúng con thanh tẩy mình mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Chúa luôn mời gọi chúng con loại bỏ thói giả hình, đạo đức giả để sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể sống thật với lòng mình quá! Chúng con thường đóng kịch trước tha nhân. Chúng con luôn che đậy những ý đồ xấu, những việc làm xấu bằng rất nhiều những hành vi bác ái bên ngoài. Có khi chúng con làm việc lành bác ái nhưng chỉ để che đậy biết bao việc lỗi công bình bác ái với tha nhân. Có khi chúng con tham dự thánh lễ nhưng lòng chúng con thì xa lìa Chúa bởi tội lỗi vẫn nằm sâu trong bản tính loài người chúng con. Xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng con. Xin giúp chúng con biết sửa mình mỗi ngày, biết canh tân đời sống cho xứng với tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng chân thật. Xin giúp chúng con luôn yêu mến sự thật, luôn sống theo sự thật để tìm được sự bình an của tâm hồn chân thật. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét