Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Tuyên xưng Đức Kitô

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa (Lc 12, 8-12)
Suy niệm
 
Người ta thường nói giữ đạo tại tâm. Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời, nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm. Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó. Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu. Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất. Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình, nhưng quyết không bước qua thập giá.

Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57). Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy, đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn. Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy. Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá. Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa, hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay, coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng, như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang. Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã. Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).

Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng. Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8) sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ. Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô. Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông, vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13). Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29). “Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì, vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12). Không sợ và không lo, đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.

Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10). Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố, khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta. Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu. Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa. Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận. Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.

Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới. Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.

 
Hạt mầm trên đảo xa
Đây là lần thứ hai chúng tôi ra đảo. Nhớ lại lần đi trước, có một kỷ niệm vui là khi chúng tôi hỏi nghề chính của dân đảo là gì, hầu hết đều nghe bà con trả lời: “Làm biếng”. Ai trong đoàn cũng tròn xoe mắt, hoá ra, do nghe nhầm tiếng địa phương: họ đọc “biển” thành “biếng”. Trở lại với chuyến đi lần này, sau hơn 6 giờ đồng hồ mệt nhoài trên tàu, chúng tôi đến cảng Phú Quý. Thật bất ngờ vì anh chị em giáo dân đã đứng đón sẵn. Cha con sau 6 tháng xa cách kể từ lễ Phục Sinh đã tay bắt mặt mừng. Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý Toà Giám mục Phan Thiết, trực tiếp thông báo tin vui cùng với lời chào thăm của Đức cha Vũ Duy Thống, Giám mục GP. Phan Thiết, tới bà con.
Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ nằm ở Nam biển Đông. Diện tích tự nhiên 16km2, cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây. Sử sách xưa ghi tên đảo này dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... Từ 1844, vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Bây giờ, Phú Quý là một huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận. Vì thế, Giáo họ biệt lập Phú Quý hiện là đứa con ở xa nhất của GP. Phan Thiết. Đảo hiện tại là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với đủ thành phần và sắc tộc, đông nhất là người Kinh. 80% dân đảo theo đạo Phật, trên hòn đảo nhỏ này có tới 5 ngôi chùa lớn và vô số những chùa, am nhỏ. Người dân đảo vẫn còn giữ được bản sắc của mình thể hiện qua nét hiền hoà, đơn sơ, thân thiện và hiếu khách, sống nghĩa tình đùm bọc nhau. Tâm hồn tươi đẹp của người dân đảo chính là mảnh đất màu mỡ đang chờ những hạt giống Đức tin gieo trồng. Đảo có tiềm năng về tài nguyên biển và ven biển, khoáng sản, các nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, hải sản. Ngoài ra, vùng này còn có thế mạnh về du lịch, thuận lợi giao thông, có cơ sở hạ tầng tốt, tập trung. Chính vì thế, việc một nhà thờ Công giáo xây dựng trên đảo sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển, đáp ứng các nhu cầu về xã hội, văn hoá và tôn giáo cho người dân trên đảo, cũng như cho khách du lịch và các thuyền nhân ghé lại cảng để liên hệ làm ăn, mua bán.
Kể về chuyện đạo, các cụ cao niên nơi đây cho biết, năm 1971, người Công giáo đầu tiên đặt chân đến đảo là bà Nguyễn Thị Hường (thường gọi là bà Long), quê ở Đồng Hới. Chồng bà là dân gốc đảo, kết hôn với bà và gia nhập đạo Công giáo, đưa bà về đảo sinh sống. Tuy nhiên, đạo Công giáo chỉ mới phát triển trên đảo này từ năm 1990, khi cô giáo Anna Nguyễn Thị Lý tình nguyện ra đảo dạy học, mang theo gia đình. Là một cựu tu sinh của Dòng MTG Quy Nhơn, cô đã gầy dựng và liên kết cộng đoàn vốn rất ít ỏi anh chị em Công giáo trên đảo để nâng đỡ đức tin cho nhau trong hoàn cảnh không có linh mục coi sóc. Cô tìm gặp những người đồng đạo khác như ông Nguyên, ông Rô, bà Long, ông Kính... tạo nên cộng đoàn nhỏ bé vài chục người, cố gắng duy trì, tụ họp nhau mừng các ngày lễ lớn Công giáo. Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám mục GP. Phan Thiết lúc bấy giờ, cũng luôn canh cánh với đứa con nhỏ ở xa. Ngài quan tâm theo dõi và liên lạc với cộng đoàn Phú Quý qua cô Lý. Trên mảnh đất do gia đình cô Lý hiến tặng giáo phận, Đức cha Nicôla đã cho người ra xem xét và xây cất một ngôi nhà (khánh thành năm 2000) dành cho việc sinh hoạt của cộng đoàn và giao cho cô Lý coi sóc. Từ đây, mỗi Chúa Nhật, bà con giáo dân quy tụ về để cùng nhau đọc kinh và suy tôn Lời Chúa. Vì hoàn cảnh không có linh mục, cô Lý đã đem hết vốn sống và kiến thức từ những năm tháng học tập trong dòng để hướng dẫn Giáo lý và Đức tin cho anh chị em mình. Rồi khi có điều kiện, cô lại đưa họ về Toà Giám mục để lãnh các Bí tích. Dù chỉ là một nhóm giáo dân nhỏ, không có linh mục hướng dẫn tâm linh, nhưng cộng đoàn lại có một sức sống và niềm tin mạnh mẽ, trong tinh thần chia sẻ, nâng đỡ, bao bọc với tha nhân xung quanh. Mãi đến năm 2007, bà con mới có Thánh lễ Phục Sinh đầu tiên trên đảo do Cha Anrê Lương Vĩnh Phú dâng. Hiện nay, Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý TGM Phan Thiết, được Đức cha Giuse trao nhiệm vụ thay Toà Giám mục chăm lo cộng đoàn Phú Quý.
http://www.truyenthongconggiao.org/Default.aspx?tabid=58&ctl=ViewNewsDetail&mid=441&NewsPK=4341
 
Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét