Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

CẦU NGUYỆN và LÀM VIỆC

Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi (Lc 10, 42)
Suy niệm
 
Nếu ở Việt Nam mỗi năm có khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông, thì ở Nhật có ba mươi ngàn người tự sát trong năm qua. Tai nạn giao thông lắm khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ. Tự sát do áp lực của công việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách. Xem ra cuộc sống hối hả đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm. Nhiều người chết bất ngờ vì bệnh tim mạch. Con người hôm nay có nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa, nhưng lại thiếu sự thanh thản, bình an, trầm lắng.

Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc. Ngài trích lời thánh Bênêđictô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim, tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán. Ngài khẳng định lời nhắc nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người. Không được đánh mất mình trong công việc: đó là tâm niệm của người lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giêsu. Trên con đường nay đây mai đó của một người rao giảng, Đức Giêsu cũng có lúc dừng chân. Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon, tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc sau những vất vả, nhọc mệt, hiểm nguy và thiếu thốn. Hầu chắc ngôi làng này ở Bêtania, gần Giêrusalem. Hai chị em Mácta và Maria đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan. Mácta là người đón khách và nấu nướng (Ga 11, 20; 12, 2), còn Maria thì hay phủ phục dưới chân Đức Giêsu (Ga 11, 32; 12, 3).

Những nét này ta lại thấy trong bài Tin Mừng hôm nay theo Luca. Mácta vẫn là người ra đón Chúa, Maria vẫn là người ngồi duới chân Chúa. Một người thiên về hoạt động, một người có vẻ trầm hơn. Nhưng cả hai đều được Đức Giêsu quý mến (Ga 11, 5).

Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria. Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c.39). Đức Giêsu là người nói và chị Maria là người nghe. Ngài có thể đã chia sẻ với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài. Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc. Còn chị Maria thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ. Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe. Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng. Lắng nghe Lời Chúa là cần trước khi đem ra thực hành. Mácta đón Chúa vào nhà, còn Maria đón Lời Chúa vào tâm hồn mình. Có thể định nghĩa cầu nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói. Một số người tưởng cầu nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe. Thật ra Chúa muốn bày tỏ cho ta những ước mơ của ngài về ta, nên ta cũng cần dành khoảng lặng cho ngài.

Nghệ thuật đối thoại cũng là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.

Trong khi Maria ngồi nghe Chúa nói, thì Mácta tất bật dưới bếp. Mácta bối rối về nhiều chuyện phục vụ. Chị sợ bữa ăn không được chuẩn bị chu đáo và kịp thời. 

“Em con để con phục vụ một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc.
“mà Thầy không quan tâm sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy.
“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”: chị muốn Maria xuống bếp giúp chị.
 
Mácta thật là người tốt, chị muốn tiếp đãi Đức Giêsu đàng hoàng. Nhưng có lẽ chị quên rằng Maria cũng đang tiếp đãi Đức Giêsu, và ngài rất vui với cách tiếp đãi đó. Nếu đưa Maria xuống bếp phụ cho chị, thì Thầy Giêsu nói chuyện với ai? Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa. Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa mà quên dành giờ cho Chúa. Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa, sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau.
 
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.

Đức Giêsu thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mácta thể hiện trên khuôn mặt và giọng nói của chị. Ngài nhẹ nhàng gọi tên chị hai lần : “Mácta, Mácta ơi!” “Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá!” Câu này ngài cũng muốn nói với từng người chúng ta. Chúng ta cũng lo nhiều chuyện, gánh nhiều trách nhiệm. “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần. Lo nhiều chuyện làm ta bị phân tán.
 
“Maria đã chọn phần tốt nhất”: ngồi dưới chân Chúa là một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn. Đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.

Dù sao Mácta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ. Chúng ta phải làm Mácta, tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình, như thế ta sẽ bình an hơn khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công. Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không được lo lắng, bôn chôn. Chúng ta làm mọi việc trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước, bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta làm quá sức mình. Chúng ta phải làm Mácta, đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào, coi thường những người thiếu khả năng, bệnh tật, hay đánh giá người khác dựa trên hiệu quả công việc. Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không cần ai để ý (c.40). Không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác, vì biết rằng Chúa ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ cho toàn thân.

Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Maria. Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày. Phải thu xếp để được làm Maria, để có người thay mình làm Mácta. Nghe Lời Chúa sẽ dẫn tới hành động: đó là xây nhà trên đá. Cuối cùng đời sống chúng ta là kết hợp của Mácta và Maria: vừa đón Chúa như Mácta, vừa tiếp Chúa như Maria, vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa, vừa hoạt động, vừa chiêm niệm, nhưng lúc nào cũng hướng về Chúa.

http://www.tgpsaigon.net/suy-niem/20101004/6911
NSƯT Hồ Kiểng vui sống ở 'cõi trần gian lụp xụp'

Cái giường duy nhất thay cho bàn làm việc đặt trong căn phòng rách. Chính nơi thiếu hụt ánh sáng như thế, diễn viên lão thành đang giữ kỷ lục đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam đã sống trọn đời cho nghệ thuật.

Gặp NSƯT Hồ Kiểng trong buổi chiều mưa lâm râm tại một chung cư cũ của những năm 80 ở quận 3, TP HCM, ông tiếp đãi khách bằng ly nước mía lề đường, thứ nước mà theo ông "mang hương vị quê nhà, giải khát bậc nhất". Căn phòng nhỏ mà cũng là nhà dường như quá nhỏ hẹp khi có thêm người chen chân.

Sài Gòn chiều mưa bão bỗng không lạnh lẽo mà ấm áp hơn khi được nghe ông - người sống trọn đời cho nghiệp diễn - "thuật" lại đời mình.
Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt của NSƯT Hồ Kiểng.

Hồn nhiên sống và yêu nghệ thuật

Trong không gian chưa đầy 15 mét vuông, chiếc giường được bậc diễn viên lão thành quý nhất, bởi trên đó, Hồ Kiểng sống, ăn, ngủ và tiếp khách. Món đồ có vẻ đắt giá nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ để ở đầu giường.

"Mấy năm trước có vị lãnh đạo thành phố đến thăm, cũng ngồi trên chiếc giường này, ngay vị trí này hứa cấp cho căn nhà khang trang. Nhưng giờ vẫn chưa thấy đâu", NSƯT Hồ Kiểng hồn nhiên kể. Rồi như chẳng để tâm đến lời vừa nói, ông lại hồ hởi "thế mà hóa ra lại hay, khách tới không cần bỏ dép, chủ nhà như bác cũng không phải đầu tư chăm chút, để dành thời gian tập trung cho nghệ thuật".

Rồi ông cười. Nụ cười cũng hồn nhiên như lời nói. Có thể, bản tính đôn hậu chính gốc con người xứ dừa Bến Tre của miền Tây Nam bộ đã ăn sâu vào ông tự lúc sinh ra, để khi lớn lên và trưởng thành, ông cứ an nhiên sống theo thời cuộc, chẳng khi nào đặt ra bài toán, bước đi cụ thể cho đời mình.

NSƯT Hồ Kiểng kể, năm 1954, ông đi bộ đội và tập kết ra Bắc. Được 6 năm, ở tuổi 29, ông mới bắt đầu xin theo học tại đoàn kịch Điện ảnh Hà Nội trong vòng bốn năm. Tuy không được coi là sinh viên chính thức, Hồ Kiểng vẫn chăm chỉ học diễn xuất và ra trường với bằng tốt nghiệp đàng hoàng. Năm 1959, phim Chung một dòng sông đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh của diễn viên Hồ Kiểng.

Ngay cả với điện ảnh, ông cũng tỏ ra "bình chân như vại", không để áp lực của sự nổi tiếng chi phối lòng đam mê nghệ thuật. Nhiều người thắc mắc vì sao cả đời ông chưa một lần được giao vai chính trên phim, ông chỉ xuề xòa "thì ai giao gì đóng nấy, đòi hỏi làm gì". Ở tuổi ngoài 80, Hồ Kiểng được trao kỷ lục cho người đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam, trở thành điều quý giá nhất của cuộc đời. Chưa một lần ông quên được bản thân từng có 203 bộ phim, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài hay thực hiện 664 bài thơ...

Nghe ông kể vanh vách từng con số, nhìn cách ông nâng niu từng bức hình đã cũ đến ố vàng, nhưng được đặt cẩn thận xung quanh chiếc giường, mới cảm nhận hết tình yêu, lòng say mê mà ông đã hiến cho nghệ thuật.
Căn nhà cũ là căn phòng chứa máy phát điện - nơi NSƯT Hồ Kiểng đã gắn bó gần 30 năm trong cuộc đời.

Sống không người thân với một trái tim nhân tạo

Câu chuyện với bậc diễn viên lão thành đôi phút bị ngắt quãng bởi những tiếng ho húng hắng. Hỏi nghệ sĩ về sức khỏe ở tuổi 85, Hồ Kiểng thật thà cho biết, gần một năm nay, ông sống bằng quả tim nhân tạo. Hiểu được bệnh tình nên ông tự đặt ra nguyên tắc "không đụng rượu, không sờ thuốc và thường xuyên vận động, ăn uống đạm bạc" cho bản thân. Hồ Kiểng đùa: "Tim giả nhưng mà chạy khỏe lắm, không nhờ nó chắc gì bác sống đến giờ này. Sắp tới bác phải đi thay pin. Dạo này nó chạy có vẻ yếu".

Ho rồi lại cười. Cười và kể, kể về chính nỗi đau của bản thân: "Số tôi không có duyên với cung gia trạch, mấy chục năm qua vẫn ở trong căn phòng chứa máy phát điện của khu tập thể Đài truyền hình TP HCM này đây. Đôi lúc nghĩ người ta có con cái lớn được nhờ cậy, được vui vầy. Vậy mà tôi vẫn một mình. Đêm hôm trái gió trở trời, có chuyện gì cũng chỉ dám nhờ hàng xóm đưa đi bệnh viện. Tụi nó chẳng bao giờ cho tôi một đồng, mà khi khó khăn còn về xin tôi tiền".

Chỉ đến lúc này, chút ngậm ngùi mới thấp thoáng trên mặt Hồ Kiểng. Đời ông cũng lắm truân chuyên, trải qua ba đời vợ, có được bốn mặt con nhưng hiện tại, ông đơn độc. Hai đứa con đã mất, hai người còn lại đã yên bề gia thất nhưng không ở cùng. "Mức lương hưu của tôi hơn một triệu đồng. Còn tham gia phim nữa thì cũng vài chục ngàn cho một vai diễn. Ông cụ như tôi phải đong đếm chi tiêu hằng ngày. Làm gì còn mà để dành cho con", ông rơm rớm nước mắt. 

Đến khi nằm liệt giường vẫn mong được diễn

Những tưởng với khối lượng vai diễn và tác phẩm đồ sộ như thế, lẽ ra NSƯT Hồ Kiểng đã có một cơ ngơi khang trang hơn. Hỏi ông, ông cũng chỉ cười và tự thú "đến tôi còn không hiểu, mà kệ, tấm lưng còm này còn chỗ dung thân lúc về chiều là được rồi".
Ông hồn nhiên khoe chiếc kính không tròng của mình.

Ông nói thêm: "Không cần nhà cao cửa rộng, chỉ cần ngày nào còn sống, còn được đi diễn là mãn nguyện rồi". Hơn 50 năm theo đuổi, Hồ Kiểng đã "kinh" qua đủ loại vai, từ phản diện, ác ôn như Đồn trưởng trong Rừng xà nu, kẻ chỉ điểm Ba Phi trong Hòn Đất, Gián điệp G5 trong Ván bài lật ngửa... đến các loại vai nghèo hèn, dễ lấy thương cảm của người xem như vai ăn mày, đạp xích lô, bác nông dân của Đất phương Nam hay Người đẹp Tây Đô...

Nhắc về chuyện nghề, ưu phiền trong ông lập tức bay mất. Ông lão vui vẻ, hồn nhiên trở lại, sôi nổi kể chuyện. Vai diễn khiến Hồ Kiểng nhớ nhất là người ăn mày trong phim Cát bụi hè đường. Khi đó, ông hóa trang và diễn xuất bên lề đường y như thật, đến nỗi người đi đường tạt ngang, cho tiền. Đến khi máy ngừng quay mọi người mới vỡ lẽ. "Tôi nhận được 262.000 đồng và hai ổ bánh mì", ông cười tít mắt.

Những niềm vui góp nhặt được như thế chính là động lực để dù chưa một lần được mời vào vai chính, Hồ Kiểng vẫn xông xáo mỗi khi được giao thêm vai phụ mới. "Mỗi vai nhận được, tôi cố hoàn thành một cách tốt nhất. Chỉ cần lột tả được đặc điểm của nhân vật là tôi vui. Như vậy là đủ", ông chia sẻ.

Cũng có thể nhờ sống hồn nhiên và lạc quan như thế, Hồ Kiểng ở tuổi 85 vẫn minh mẫn và tinh anh lắm. Hằng ngày, người dân ở khu chung cư vẫn thấy ông sinh hoạt tại câu lạc bộ hưu trí, vẫn chăm chỉ thực hiện sở thích hằng ngày, ra quán nước mía, vừa thưởng thức thức uống ưa thích vừa ngâm nga thơ, kể chuyện đời: "Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng / Nhưng anh vẫn thấy ngoài, trong cuộc đời / Dẫu rằng thiên hạ trêu cười / Kiểng còn nhìn thấu dạ người trắng đen" (thơ Hồ Kiểng).

NSƯT Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre. Ông tham gia đóng phim từ năm 1959. Năm 1992, Hồ Kiểng được bình chọn là "Diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện".
Năm 1997, Hồ Kiểng được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận ông là "Nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim Việt Nam nhất".
Cũng trong năm 2006, Hội đồng xét duyệt Sở Văn hóa Thông tin TP HCM bình chọn Hồ Kiểng là 1 trong 5 nghệ sĩ đạt chuẩn Nghệ sĩ nhân dân.
Bài và ảnh: Dung Lâm
http://www.vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/07/3BA1E566/

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con luôn biết hướng lòng về Chúa mọi nơi mọi lúc, để tất cả mọi việc làm của chúng con sinh hoa trái đích thực. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét